CẢM NIỆM PHẬT ĐẢN PL.2555

www.todinhlinhson.com

CẢM NIỆM PHẬT ĐẢN PL.2555
(Hòa thượng Thích Đức Chơn tuyên đọc tại lễ đài Phật đản Quảng Hương Già Lam)
Nam mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật

Kính bạch chư tôn Đại đức Tăng,
Cùng toàn thể thiện tín nam nữ Phật tử,

Thế giới cử hành đại lễ Phật đản năm nay tập trung suy niệm trên chủ để "Vai trò lành đạo của Phật tử đối với sự phát triển kinh tế xã hội."

Phát biểu ý kiến về chủ đề này, trong thông điệp Phật đản 2555, Ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc nói: "Chủ đề Phật đản năm nay về sự phát triển kinh tế xã hội, nghe như mới mẻ, nhưng kỳ thực đó là hạch nhân của tất cả vấn đề đề gây nên đau khổ cho nhân loại mà đức Siddhartha Gautama cách đây trên 2500 đã lìa bỏ cung vàng điện ngọc để tìm phương đối trị."

Những vấn đê về kinh tế và xã hội là mối quan tâm hàng đầu và thường nhật, có thể nói như vậy, kể từ khi xã hội loài người được thành hình. Phải có ăn để mà sống. Tuy nhiên, trong cao điểm phát triển của xã hội, chủ đề cũng phản ánh một năm trôi qua với nhiều thảm họa xảy ra cho nhân loại.

Nghèo đói và bất an, không chỉ là ưu tư của một lớp người cá biệt, mà nó chi phối đời sống của mọi cá nhân, từ những nhu cầu vật chất cho đến sinh hoạt tinh thần. Mỗi hình thái sinh hoạt, mỗi đẳng cấp tồn tại, đều tiềm tàng mối đe dọa như vậy đã có từ ngàn xưa, từ các chủng loại sinh vật hạ đẳng cho đến phát triển thành loài người, và tập hợp thành xã hội loài người.

Những thảm họa gây ra do bởi thiên tai, và do bởi chính con người, là những ảnh tượng hãi hùng của thế giới trong nhiều năm qua, trong nhiều thế kỷ qua. Mức độ phát triển kinh tế càng cao, thì thảm họa càng lớn. Sự thực ấy đã được chứng nghiệm suốt trong quá trình phát triển xã hội, không phải chỉ ngày hôm nay, trong thế kỷ hiện đại, mà từ ngàn xưa. Nguyên nhân không xảy ra trong một sớm một chiều. Bản chất và hiện tượng của vấn đề là những yếu tố in sâu trong tâm ý thức của chúng sinh, có thể nói là tập khí chủng tử nhiều đời.

Như lời đức Phật đã dạy, tất cả chúng sinh đều do thức ăn mà tồn tại. Tồn tại cơ bản, là duy trì trạng thái quân bình và ổn định của thân thể, cho nên các loài chúng sinh vươn ra ngoại giới, đi tìm dưỡng chất cho tồn tại trong thiên nhiên. Nguồn cung cấp của thiên nhiên giới hạn, vì vậy quy luật tồn tại diễn thành quy luật cạnh tranh sinh tồn. Xã hội càng phát triên thì trường đấu tranh càng khốc liệt. Từ đó, nghèo đói và bất an là nổi khổ triền miên trong mọi hình thái xã hội.

Tuy vậy, khổ đau triền miên ấy chỉ là hiện tượng bên ngoài có thể khắc phục được, nếu con người biết rõ nguyên nhân. Đức Phật đã nói: Nếu thế gian chỉ thuần khổ, chư Phật đã không xuất hiện. Vả lại, nếu thế gian chỉ thuần lạc, chư Phật cũng không xuất hiện. Khổ và lạc đều do nhân duyên, chư Phật xuất hiện để chỉ rõ nhân duyên ấy.

Sau 25 thế kỷ Phật-niết-bàn, sau những trận đấu tranh ác hại trên quy mô toàn thế giới, qua những cuộc tàn sát dã man vì trành dành quyền lực thống trị kinh tế và tôn giáo, cho đến một lúc, các thế lực hung hãn nhất đã gây nhiều tội nghiệp sát nhân trong lịch sử cũng cảm thấy, để tồn tại, cần nỗ lực tiến đến tinh thần hòa hiệp và bao dung giữa các cộng đồng nhân loại. Trong ước vọng ấy, Tổ chức Liên hiệp quốc đã đồng thanh quyết nghị chọn ngày Phật đản như là biểu tượng cho niềm tin và hy vọng về một thế giới hòa bình và an lạc.

Nay, trước thực trạng bi thương của toàn cảnh thế giới, những người tin Phật trong khắp năm châu, nhân ngày Phật đản, suy niệm từ giáo nghĩa của đức Thích Tôn, ý thức được rằng thảm trạng này là do bởi quá trình phát triển điên đảo của kinh tế xã hội, cho nên nổ lực tìm phương đối trị theo những lời dạy của đức Phật, hướng tâm nguyện đến thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc, như bản hoài xuất thế của chư Phật.

Nguyên nhân căn để thâm sâu của thống khổ nhân sinh trong thế giới cạnh tranh sinh tồn khốc hại là tham ái và chấp thủ tà kiến. Chư Phật xuất thế khơi dậy nơi mỗi chúng sinh đức tính từ bi và trí tuệ để đối trị tham ái và tà kiến.

Đối với hàng xuất gia, đức Phật chỉ dạy tu tập giới, định, huệ, cứu cánh đối trị các tùy miên ái và kiến. Đối với chúng đệ tử tại gia, đức Phật chỉ dạy thực hành bố thí để phát triển bi và trí. Do bố thí mà thành tựu bốn nhiếp sự, từ đó tạo thành một cộng đồng hướng thiện, nhân tố dẫn đến một xã hội phồn vinh trong hòa hiệp và an lạc. Do bố thí mà thành tựu các ba-la-mật, nhân tố của giải thoát và giác ngộ.

Trong ý nghĩa kinh tế học, bố thí là phương pháp hữu hiệu để tái phân phối lợi tức trong toàn xã hội, điều hòa những mâu thuẫn do tình trạng chênh lệch giàu nghèo, dẫn đến bất công, áp bức và đấu tranh.

Trước thảm cảnh nghèo đói, bệnh tật, do bởi thiên tai, nhân họa, người Phật tử thực hành bố thí bằng tâm nguyện bồ đề, phát xuất từ tình yêu vô ngã, không vì phước báo cho riêng mình, mà vì lợi ích an lạc của chúng sinh. Lợi ích an lạc chân thật chỉ có ý nghĩa trong sự phát triển hướng thiện. Một xã hội an lạc tất yếu là một xã hội có đạo đức, trong đó những tư cụ sinh tồn không bị chiếm đoạt phi pháp, phẩm giá con người được tôn trọng. Bố thí bằng tâm nguyện bồ đề, là nhân tố để phát triển đạo đức xã hội. Trong một xã hội an lạc và có đạo đức, con người mới có đủ thuận duyên tu tập, để đối trị các phiền não làm ô nhiểm tâm, phát huy trí tuệ vô lậu để nhận thức rõ chân lý của tồn tại.

Trong thế giới ngạ quỷ, súc sanh, do cực khổ trường kỳ, thiếu duyên để tu tập thiện nghiệp, chúng tồn tại theo bản năng sinh tồn mù quáng, và thống khổ là hậu quả tất nhiên. Trong thế giới nhân loại, con người có đủ yếu tố để tự quyết định hành vi thiện hay bất thiện, cho nên khổ hay lạc đều do tự ta chứ không do bởi quyền lực siêu nhiên nào cả.

Thế nhưng, con người cũng chỉ là một đẳng cấp cao trong các chủng loại sinh vật, bị trùm lấp trong màn tối vô minh, lạc lối trong rừng rậm tà kiến điên đảo, không nhận thấy được tại họa vô thường đang rình rập chung quanh. Nếu không có phương tiện thức tỉnh, thì vòng lẩn quẩn hoặc-nghiệp-khổ vẫn xoay vần liên tục – do cực khổ mà phát sinh vọng tưởng điên đảo; do vọng tưởng mà gây nghiệp bất thiện, rồi do nghiệp bất thiện mà dẫn đến quả khổ.

Chư Phật xuất thế, duỗi cánh tay đại bi để cứu vớt chúng sinh ra khỏi vũng lầy sinh tử thống khổ, bằng âm vang đại trí để đánh thức chúng sinh đang chìm đắm trong mê muội, sống say chết mộng. Đức Phật đã cảnh tỉnh chúng ta rằng: "Vui cười gì, hoan lạc gì, khi đang bị vô thường thiêu đốt? Bị bao trùm trong bóng tối, sao không tìm đến ánh sáng?"

Thế giới chúng ta đang sống thực sự như ngôi nhà đang rực lửa. Tai họa thảm khóc có thể xảy đến cả những nơi được bảo vệ bằng phương tiện kỹ thuật khoa học tiên tiến nhất. Chúng sanh sẽ tìm đến nương tựa nơi đâu, nếu không có ai thắp sáng ngọn đuốc soi đường bằng từ bi và trí tuệ?

Nguyện cầu tất cả chúng sinh có đầy đủ thiện duyên để được thức tỉnh, tự mình đốt lên ngọn đuốc soi đường dẫn vào thế giới thanh bình, an lạc, trong đó tràn ngập ánh sáng từ bi và trí tuệ.

Nguyện cầu bốn chúng đệ tử Phật tinh tấn dũng mãnh, nương theo ánh sáng đại bi và đại trí của chư Phật, tu tập phát triển thiện nghiệp, vì lợi ích an lạc cho chính mình và cho mọi loài chúng sinh.

Nam mô Lâm-tì-ni viên, vô ưu thọ hạ, thị hiện đản sinh Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật

www.todinhlinhson.com