CẢM NIỆM BỒ TÁT QUẢNG ĐỨC VÀ CHƯ VỊ THÁNH TỬ ĐẠO CỦA HÒA THƯỢNG TRÚ TRÌ TỔ ĐÌNH LINH SƠN – KHÁNH HÒA


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch chư tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni.
Kính thưa Quý Phật tử và chư Thiện tri thức gần xa.
Kính thưa liệt vị,

Trong giây phút thiêng liêng nầy, con xin thành tâm đảnh lễ Bồ Tát Thích Quảng Đức và giác linh chư Tăng Ni đã vị pháp thiêu thân trong mùa pháp nạn 1963, cũng xin nghiêng mình kính cẩn trước Anh Linh của chư Phật tử đã hy hiến đời mình để bảo vệ đạo pháp – bảo vệ quyền bình đẳng tôn giáo và tự do tín ngưởng – để lá cờ ngũ sắc được tung bay trên bầu trời quê hương.
Hôm nay, sau đúng nửa thế kỷ ngọn lửa đại từ bi – đại hùng lực của Bồ tát thắp lên để soi chiếu vô minh, để thức tỉnh tâm thức si ám bạo lực cuồng quyền – chúng con thành tâm thiết lễ tưởng niệm Bồ tát và chư Thánh tử đạo.
Với bao thăng trầm theo chuyển biến vô thường, sự rung cảm ngày nào trong tim, trên mắt, trong máu lệ của Phật tử Việt Nam, trên cả thế giới có còn nguyên vẹn như xưa hay cũng theo một thời gian mà nhạt phai, hay theo "biến kế" mà trắng đen điên đảo. Chúng con tin rằng, như lời Phật dạy: "Tin mà không hiểu là phỉ báng"… nên trước tiên và duy nhất là phải thành tựu chánh kiến để có chánh tín.
Phật giáo – một tôn giáo của từ bi và trí tuệ, đã du nhập và hòa nhập rất sớm vào nếp sống , nếp nghĩ của tổ tiên, con dân nước Việt… đã hiện hữu, thăng trầm cùng vận nước trên 2000 năm. Đã có những lúc cực thịnh cùng với đời sống thái bình an lạc thời Trần thời Lý. Một tôn giáo với nền tảng là hiểu đạo, hỷ xã, vị tha. Mà tôn giáo đó đang bị đặt ngoài vòng pháp luật bởi "Đạo dụ số 10" tồn tại từ thời Pháp thuộc.
Thế rồi Tăng Ni bị khủng bố, Phật tử bị đọa đầy, những nhà tù mở ra khắp đất nước để trấn áp người con Phật trung kiên, cương quyết không bị khuất phục bởi bạo quyền… Trong hòan cảnh bi đát của Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Quảng Đức cùng với chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử đương thời vận động chính phủ thực thi 5 nguyện vọng tối thiểu của Phật giáo. Trong đó có nguyện vọng bình đẳng tôn giáo... Cuộc vận động đã mở ra môt trang sử bi tráng của Phật giáo Việt nam.
Thiết lễ tưởng niệm hôm nay, chúng con quỳ xuống dưới thềm đất lạnh, quán tưởng nhất tâm ngọn lửa Bồ tát Quảng Đức đốt nhục thân để phụng sự đạo pháp là sự hy hiến cao cả, thiêng liêng và cần thiết trong lúc Phật giáo Việt Nam có nguy cơ bị tàn diệt trong chế độ bạo tàn, kỳ thị tôn giáo, mà cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã thực hiện trên quê hương nầy để làm tròn lời giao ước của một con chiên – "Dâng miền nam cho đức mẹ".
Thế mà, đau đớn thay – Trang sử vẫn còn đọng nét như in của những chứng nhân thời cuộc, giấy mực vẫn còn nguyên chữ nghĩa của báo chí khắp năm Châu – thương tật vẫn còn hằn lên da thịt của Tăng Ni đồng đạo và phật tử khắp nơi. Vậy mà đã có những lời trái ngược, những luận điệu xuyên tạc lịch sử, những thái độ thờ ơ vô cảm. Của những ai!?
Của tà sư ngoại đạo tìm trăm ngàn phương sách để phá Phật – mà đau thay, sự thờ ơ phỉ báng lại còn xuất hiện trên lời nói và tâm thức của những kẻ "uống nước quên nguồn", "ăn trái thì oán người trồng cây". Do vô minh mà sanh ác nghiệp, do tham danh hám lợi mà bất kính trước sự nghiệp tiền nhân.

Kính bạch Bồ tát Thích Quảng Đức.
Kính bạch giác linh chư Tăng Ni vị pháp thiêu thân để bảo vệ đạo pháp.
Kính thưa anh linh chư Phật tử đã hy hiến đời mình hay một phần cơ thể để bảo vệ, cứu nguy Phật giáo Việt Nam trong những ngày nguy khốn…

Năm mươi năm đã đi qua Phật giáo nước nhà cũng có nhiều phen thăng trầm theo vận nước, thế hệ Tăng ni và phật tử hôm nay – không tường tận giá trị chân thật của trái tim bất diệt, của những ngọn đuốc minh tuệ thắp lên từ thân tứ đại giả hợp thế gian để có những thiên kiến, biên kiến – một phần cũng do lỗi lầm chúng con, đã không tận tụy truyền trao tâm huyết cho thế hệ sau, tâm huyết đó là trang sử hy sinh bi tráng của một thế hệ tăng tín đồ vì đạo Phật mà dám đem thân cúng dường bằng cách ngồi an nhiên trong lửa dữ, tâm huyết đó là hành trang phụng hiến để đi vào cuộc đời ngũ trược ác thế mà Bồ tát và chư vị Thánh tử đạo đã chứng minh cho thế giới thấy rằng hạnh nguyện của ngài A Nan, của ngài Địa Tạng không phải chỉ trong kinh sách mà có ngay giữa cuộc đời…
Năm mươi năm qua rồi, ngôi nhà Ngài trú để tu tập nơi đây đã tàn xiêu theo mưa nắng. Nhưng sự hiện diện của một bậc siêu phàm thì còn tỏa sáng ngàn sau. Âu, đó là phước đức lớn lao mà chúng con có được, để mảnh đất tổ Linh Sơn nầy đã ghi dấu chân ngài. Và cỏ cây, sông núi cho dù là hữu tình hay vô tình cũng được ân triêm phước báu từ công hạnh tu trì trong thời gian ngài an trú nơi đây.
Đất Khánh Hòa có rừng thiêng suối quý, nên cây trầm bén rễ dâng hương – Đất Vạn Ninh có nắng vàng mưa bạc nên cây huỳnh đàn chắc lọc tinh hoa đất trời mà kết thành gỗ quý cây thiêng.
Thế nên, Vạn Ninh là nơi "địa linh nhân kiệt", đã sinh trưởng một vị Bồ tát hiện đời.
Bồ Tát húy Thị Thủy – tự Hạnh Pháp, hiệu Quảng Đức nối dòng Lâm Tế đời 42, thế hệ thứ 9 thiền phái Chúc Thánh, và trú trì đời thứ 6 Tổ đình Linh Sơn (1940 – 1944). Ngài thế danh Lâm Văn Tuất, sinh năm 1897 ( Đinh Dậu) tại thôn Hội Khánh, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, Ngài sinh trong một gia đình có 7 anh chị em, thân sinh là cụ ông Lâm Hữu Ứng và cụ bà Nguyễn Thị Nương.
Niên hiệu Thành Thái thứ 16, năm Giáp Thìn (1904), vừa lên 7 tuổi, Ngài được song thân cho đi xuất gia thụ giáo với Tổ Như Đạt Giải Nghĩa Hoằng Thâm, trụ trì chùa Long Sơn, thuộc thiền phái Chúc Thánh là đệ tử đắc pháp với Tổ Chơn Hương Thiên Quang ở chùa Linh Sơn. Tổ Như Đạt Giải Nghĩa Hoằng Thâm là cậu ruột của Ngài Lâm Văn Tuất, nên được Tổ nhận làm con nuôi và chính thức đổi tên họ là Nguyễn Văn Khiết.
Năm 15 tuổi, ngài thọ giới Sa di, năm 20 tuổi thọ giới Tỳ kheo và Bồ tát được pháp danh Thị Thủy, pháp tự Hạnh Pháp, pháp hiệu Quảng Đức, khi thọ giới xong, ngài phụ trách nhiệm vụ tri sự chùa Long Sơn, để giúp cho bổn sư của mình lúc ấy đã già.
Năm Tân Dậu (1921) Tổ Như Đạt Giải Nghĩa Hoằng Thâm là Bổn sư của Ngài viên tịch tại chùa Long Sơn, khi ấy chùa Long Sơn được truyền thừa cho Hòa Thượng Thị Thanh Hành Thái Vô Vi trú trì, nên Ngài vào chùa Linh Sơn tu học dưới sự giáo dưỡng của Tổ Chơn Hương Huyền Túc Thiên Quang.
Năm 1927, ngài phát nguyện nhập thất 3 năm trên ngọn Núi Đất ở Ninh Hòa, đến năm Bảo Đại thứ 8 (1933), ngài về trú trì chùa Thiên Ân, xã Phước Thuận, phủ Ninh Hòa.
Năm 1936, Hội An Nam Phật Học ra đời, Đại lão Hòa Thượng Hải Đức mời Ngài nhận chức chứng minh đạo sư cho chi hội Phật học Ninh Hòa. Về sau, ngài được thỉnh cử giữ chức Kiểm Tăng cho tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa.
Năm Mậu Dần ( 1938), ngài vân du vào Nam hành đạo khắp các tỉnh Sài Gòn, Gia Định, Định Tường, Tây Ninh, Bà Rịa xuống đến Hà Tiên. Ngài cũng đã từng sang Cao Miên (Campuchia) để giáo hóa các phật tử kiều bào, và học hỏi nghiên cứu kinh điển Pãli của Phật giáo Nam Tông. Tại Cao Miên ngài gặp hòa thượng Tịch Tràng trên đường tầm sư học đạo.
Năm Bảo Đại thứ 15 (1940), ngài về đảm nhận trú trì tổ đình Linh Sơn xã Hiền Lương tổng Phước Tường nội huyện Vạn Ninh ( nay thuộc thôn Hiền Lương, xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa). Năm 1941, ngài nghe tin thiền sư Chơn Phổ Nhẫn Tế Minh Tịnh đi tham học ở Ấn Độ, Tây Tạng trở về và lập chùa Thiên Chơn, nên ngài vào chợ Búng, Thủ Dầu Một tại chùa Thiên Chơn thăm viếng và đàm đạo với thiền sư Chơn Phổ Nhẫn Tế Minh Tịnh. Tại đây, ngài gặp lại hòa thượng Tịch Tràng, biết là pháp khí có thể làm rường cột cho Phật pháp mai sau, nên Ngài mời hòa thượng Tịch Tràng về Tổ Đình Linh Sơn tu học để tương lai đảm nhận trọng trách trú trì ngôi Tổ đình.

Kính bạch Bồ tát Thích Quảng Đức :

Như vầng mây cát tường bay về muôn hướng
Dấu chân ngài theo hạnh nguyện gieo hạt bồ đề
Sáu mươi bảy năm ẩn thân trong ta bà thế giới
Hương đạo xa bay ngàn dặm sơn khê
Từ núi đất Vạn Ninh về cao Miên cổ kính
Qua Định Tường – Bà Rịa -Hà Tiên
Nơi ngài đến là mây trời ẩn hiện
Lưu dấu ngài : từng quốc độ trang nghiêm
Sông Hiền Lương nước trong màu ngọc bích
Núi Chảo Huỳnh Đàn " sừng sững uy linh"
Đất Vạn Giã – Chùa Linh Sơn chốn tổ
Thu hạ bao mùa hoa cỏ ân triêm.
Và ngọn lửa - đại từ bi soi chiếu
Đại hùng tâm – cả thế giới nghiêng mình
Để Phật pháp trường tồn bất diệt
Trong vô thường – linh hiển một trái tim.

Trú trì đời thứ 6 Tổ đình Linh Sơn, Ngài đã làm cho chốn Tổ chất ngất linh khí nhiệm mầu. Rồi như cánh nhạn bay qua trời xanh, bóng in nơi sông nước. Ngài đã cùng với những đồng đạo đồng tu, những người đệ tử thành tín trung kiên kết thành một niềm tin bất hoại, với tinh thần bất bạo động, vô úy trước bạo quyền để chở che cho đóa sen nhiệm mầu đang bị phá hoại bởi tên đạn của ma quân… Ngọn lửa từ nhục thân của Ngài bùng cháy. Thân tứ đại hủy hoại nhưng "trái tim ấn chứng" thì bất diệt để biểu thị cho lời kinh Phật dạy: " Sắc tức thị không, không tức thị sắc". Cũng là biểu thị cho pháp bất diệt giữa dòng sinh diệt. Rồi theo sau ngài là sự hy hiến nhục thân của chư Thánh Tử Đạo:


- Đại Đức Thích Nguyên Hương quê ở Liên Hương – Bình Thuận
- Đại Đức Thích Thanh Tuệ quê ở Hải Lăng – Quảng Trị
- Sư Cô Thích Nữ Diệu Quang quê ở Hương Trà – Thừa Thiên
- Thượng Tọa Thích Tiêu Diêu quê ở An Truyền – Huế
- Đại Đức Thích Quảng Hương quê ở An Ninh – Phú Yên
- Đại Đức Thích Thiện Mỹ quê ở Bình Định.


Phải chăng bảy ngọn lửa thiêng nầy là hóa thân của bảy đóa sen vàng nâng gót Thế Tôn giáng thế. Để 3 ngàn thế giới nghiêng mình trước tín tâm bất hoại của dân tộc Việt Nam, đã hy sinh để bảo vệ Phật pháp trường tồn.
Bảy ngọn lửa thiêng đó, đã phá tan vô minh thù hận, tham dục bạo tàn. Góp phần làm cho lá cờ ngũ sắc tung bay trên bầu trời Việt Nam yêu dấu, xóa đi áp bức cường quyền của một chế độ độc tài kỳ thị tôn giáo, mở ra một trang sử huy hoàng cho nền Phật giáo dân tộc nói riêng và mạng mạch trường lưu của giáo pháp Như Lai giữa ta bà thế giới.
Hôm nay chúng con thành tâm thiết lễ tưởng niệm Bồ tát và chư Thánh tử đạo, tưởng niệm sự hy hiến cao cả của Tăng tín đồ trong thời pháp nạn.
Nguyện ghi khắc ơn đức cao cả của Quý ngài để làm hành trang phụng sự.
Nguyện noi gương vị tha – đại hùng lực của Quý ngài mà làm phương hướng tấn tu.
Nguyện ánh hào quang Phật Tổ và hồn thiêng sông núi gia trì cho Phật giáo Việt Nam huy hoàng và bền vững cùng với non sông./.

Nam Mô Việt Nam Phật giáo Thống nhất giáo hội Quý Mão Pháp nạn vị Pháp thiêu thân Đại hùng Đại lực Quảng Đức Bồ Tát Ma Ha Tát.

Lễ Hiệp Kỵ - 2013
tập ảnh #1 | tập ảnh #2 | tập ảnh #3 | tập ảnh #4 | tập ảnh #5 | tập ảnh #6 | tập ảnh #7